DU LỊCH ĐÀ LẠT MÙA MƯA – TẠI SAO KHÔNG ?

Với nhiều người đi Đà Lạt vào thời điểm mùa mưa là một điều gì đó không hợp lý bởi có rất nhiều nơi bạn không thể đi hay tham quan được. Một điều trở ngại nhất là mùa mưa đường xá nơi thành phố cả khu vực ngoại thành khá nhiều bùn đất vì địa hình chủ yếu là đồi dốc và đất đỏ nên gây khá nhiều khó chịu cho người đi đường. Tuy nhiên du lịch Đà Lạt mùa mưa cũng có nhiều điều thú vị.

Thời tiết Đà Lạt có hai mùa rõ rệt: mùa nắng và mùa mưa, mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, cao điểm nhất là vào các tháng 7 – 8 – 9. Vào hai tháng 8 – 9, hầu như ngày nào cũng mưa, thường nhất là mưa từ 1 giờ chiều đến lúc hoàng hôn nếu có bão thì có khi rả rít mấy ngày liền không ngớt.

Có một đoạn văn rất hay quyển sách Bên Dưới Sương Mù chương “du lịch, mưa gió và than thở” của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên: “Hai tháng tám, chín thường lỗ nặng, bởi đây là mùa mưa dầm, du khách miền đồng bằng nắng ráo ít ai chịu nổi khung cảnh u buồn của những cơn mưa kéo dài ngày nọ sang ngày kia, tuần nọ sang tuần kia. Bó gối ngồi trong khách sạn hoặc di chuyển ở những chặn ngắn, trú mình trong cái ủ ê của thời tiết quả là một sự tra tấn và thử thách quá sức với tình yêu Đà Lạt của nhiều người quen sống trong những thành thị đồng bằng sôi động”. Đây là lời tự sự trong báo cáo của giám đốc hai khách sạn Da Lat Palace và Da Lat Hotel vào năm 1960. Đến nay, qua hơn 50 năm thời tiết Đà Lạt vẫn như thế cái mưa ủ ê trong những tháng hè vẫn rả rít. Nhưng vì mùa mưa rơi vào mùa hè nên nhiều người không có lựa chọn khác, các bạn học sinh sinh viên chỉ có thể đi cùng gia đình mình vào dịp này.

Ngày trước ít hàng quán ăn uống – cà phê thì người ta chỉ biết ngủ vùi trong khách sạn nhưng giờ thì chúng ta có quá nhiều lựa chọn. Nếu là người có tâm hồn ăn uống thì chúng ta có: lẩu gà lá é đường Hà Huy Tập, quán nướng Cu Đức Phan Đình Phùng, quán nướng Ngon ngay dốc đầu chợ đường Lê Thị Hồng Gấm, gà tiềm thì có Hương Lâm Tửu Quán, lẩu thì có lẩu bò Ba Toa Nhà Gỗ, lẩu thố Hai Lúa Phan Đình Phùng, bánh tráng nướng 112 Nguyễn Văn Trỗi, kem bơ Thạch Thảo Nguyễn Văn Trỗi, hột vịt lộn nướng muối ớt khu Hòa Bình, vịt lộn khu Hòa Bình…. Đó chỉ là một số món trong hơn 50 món ăn đường phố phổ biến của thành phố sương mờ này.

Nếu ăn uống đã no bạn có thể nhâm nhi ly cà phê cùng bạn bè. Thích không gian mặt hồ mờ sướng thì có cà phê Thủy Tạ, cà phê khu Hòa Bình có cà phê Tùng – quán yêu thích của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, khu cà phê Nguyễn Chí Thanh ngắm chợ đêm , nếu không gian lớn hơn nhìn thoải mái hơn thì có Nhật Nguyên ngay cầu Ông Đạo, cà phê Tỏi Đen Ngã Năm Đại Học…. Nếu thích không gian xa thành phố thì có rất nhiều lựa chọn khác nhưng đi xa sẽ hơi lạnh ướt nhé.

Có một lần đi Langbiang vào một chiều mưa, bên ngoài xe jeep thì rừng thông ướt lá những chú ngựa thì thỏa chí chạy khắp cả một quả đồi bởi chỉ khi trời mưa bọn chúng mới được tự do thế, không thì giờ đã bị người ta cưỡi kéo để kiếm một ít đồng tiền mưu sinh cho chủ nhân của mình. Trời mưa đường lên nhiều suối nhỏ chảy ngang tài xế xe jeep cũng rất tập trung bởi đường lên đỉnh Rada Langbiang quanh co tương đối nguy hiểm. Thỉnh thoảng họ phải nhấn còi để xe đỗ dốc tránh nhau an toàn hơn. Đi xe jeep nơi đây cũng là một hình thức trãi nghiệm cảm giác mạnh nhé ! Qua khỏi thung lũng Trăm Năm hai bên chỉ có thông, thông xanh khắp mọi lối, thỉnh thoảng thấy một vài đôi chim đậu dưới táng lớn trú mưa đợi tạnh để quay về tổ, thỉnh thoảng có một vài tổ ong đang co cụm vào nhau để sưởi ấm qua một con mưa giá lạnh, bên dưới gốc thỉnh thoảng có một vài cây nấm linh chi mọc theo những thân gỗ mục hoen màu thời gian, các chùm nấm mối trắng nâu… mọi cảnh vật thiên nhiên thu vào tầm mắt.

Mười lăm phút xe lên tới đỉnh. Đây là lần đầu tôi chẳng thấy gì ngoài một màng sương trắng không thể nhìn xa hơn năm mét. Gió bên ngoài thổi rít những vị khách chung đoàn thì cặp đôi nắm tay nhau đi vòng quanh tìm cho mình một góc ưng ý. Những ngày nắng từ đỉnh này bạn nhìn được hồ Suối Vàng, trung tâm thành phố nhưng màn sương này thứ duy nhất bạn nhìn thấy là sự cô đơn.

Có nhiều người tâm hồn lãng mạng hơn họ hay lựa chọn cho mình một căn phòng có ban công tầng 3 hoặc tầng 5, ngồi nghe nhạc nhâm nhi ly cà phê hoặc ly atiso nóng ngắm dòng xe hối hả về nhà. Ngày xưa Đà Lạt làm người ta buồn bởi dân cư còn thưa thớt dịch vụ giải trí không nhiều, taxi đi lại cũng khó khăn nhưng giờ đây đôi khi trời mưa lại là dịp thu hút ăn nên làm ra của nhiều hàng quán. Nếu trời không mưa thì người ta sẽ đi chơi chụp ảnh tham quan cả ngày có đôi khi quên cả chuyện ăn uống nhưng khi mưa thì người ta chỉ có 3 lựa chọn như trên: đi ăn uống đâu đó, cà phê hoặc về phòng nằm ngủ chờ mưa tạnh mà thôi.

Với các bạn trẻ bây giờ họ thì không thích nằm ủ trong phòng mà hay khám phá đây đó. Thói quen đi chơi đi du lịch cũng khác, các bạn thích các homestay xa trung tâm hay trong đồi thông vào đó tự tay nấu ăn, uống trà, đọc sách ngắm Đà Lạt lướt qua từng cơn mưa tháng 6 thôi cũng đã là một điều tuyệt vời. Với ai đó giá trị về cái đẹp mỗi người được định nghĩa một cách khác nhau, với nhiều người đi chơi phải là chợ đêm phải mua sắm, có người thì chơi phải chụp ảnh phải “check in”, người thì ăn uống khám phá, có người bay cả 1 chặn bay dài từ Hà Nội vào thưởng thức ly đậu nành nóng ngắm Hồ Xuân Hương một buổi chiều nâu tím rồi bay về cũng là một giá trị hạnh phúc.

Đâu đó trong mỗi chúng ta đều có một chút lãng mạng, dù cuộc sống có mệt, công việc có áp lực, mọi thứ có sụp đỗ đi chăng nữa thì cũng đừng ngã gục… khó khăn quá hãy thử một lần đến Đà Lạt lúc mưa rồi khóc thật to khóc thật nhiều để không ai biết chúng ta đang rơi nước mắt. Nếu Đà Lạt không mang được cho bạn niềm vui thì nó sẵn sàng chia sẻ cho bạn một nỗi buồn. Hãy 1 lần ngồi trên đường Nguyễn Chí Thanh nhâm nhi ly cà phê và ngắm cuộc sống tuyệt vời trôi qua trước mắt nhé !

 

Bài viết khác

Quần thể di tích Cố đô Huế - Di sản văn hóa thế giới

Quần thể di tích Cố đô Huế: Di sản văn hóa thế giới

Quần thể di tích Cố đô Huế là một trong những di sản văn hóa …

.
.
.
.