Chợ Đà Lạt buổi sáng tháng 10!
Phần I
Đà Lạt đẹp vào tháng mấy ?
Có người nói Đà Lạt đẹp nhất khi vào thu, có người nói khi Đà Lạt chớm đông rồi cũng có người cho rằng mùa xuân mới là mùa tuyệt vời nhất… Mỗi người chúng ta yêu đều là khác nhau cũng như cái nhìn của chúng ta về thành phố xinh đẹp này cũng khác nhau. Mọi cái đẹp đều nằm ở quan niệm tự định nghĩa ở mỗi người.
Có những ngày bình yên đến lạ, vào tháng mười khi ngang cầu Ông Đạo buổi sáng nhìn về phía mặt hồ Xuân Hương những ngọn gió thổi từ hướng đồi Cừu làm cho sóng lăn tăng gợn nhẹ vỗ ngược về đây, đó là lúc thu sắp rời đi Đà Lạt chuẩn bị lập đông. Trong ngọn gió nhẹ có cái mùi của cỏ ngọt mọc đâu đấy trong đồi Cừu, cái nồng nàng của loa kèn vàng, cái ngát xanh của lá thông, hương thảo tỏa hương mỗi khi có ai đó chạm vào hay gió lay động và trong mùi gió ấy còn có cả hương vị ngọt dịu của em, người con gái phía bên kia bờ hồ mà tôi chỉ dám đứng từ xa nhìn ngắm và ao ước.
Có nhiều cái đẹp cả đời này ta chỉ có thể nhìn ngắm và chiêm ngưỡng từ xa, cũng như bóng trăng tâm cá mà thôi. Có nhiều nét đẹp nó xuất phát từ một ánh buồn nhẹ chứ vui quá thì người ta có gì để mà chia sẻ. Khi Trịnh Công Sơn nằm trong căn gác gỗ lạnh lẽo nơi B’lao nắng bụi mưa sìn thì có gì mà mơ với mộng khi không có một Nguyễn Vũ Dao Ánh, nếu không vụn vỡ với chị gái của cô thì làm sao ta có một tình khúc Diễm Xưa thế kia. Nếu hàng ngày trên ngôi gác tầng một ấy ông không thấy cô giáo dạy tiếng Anh mặt áo dài trắng với mái tóc thề chấm vai thì làm sao có tuyệt phẩm Lời Thánh Buồn. Mọi chuyện trong cuộc sống nếu quá đỗi êm đềm thì có phải cuộc đời này tẻ nhạt lắm không ? Mọi miếng vụng vỡ ở hiện tại làm người ta tiếc hoài cái kỷ niệm đẹp của quá khứ rồi lưu luyến rồi đau khổ.
Khi ngang cây cầu này nhìn xung quanh bờ hồ ai cũng đi bộ, chạy thể dục có đôi có cặp rồi tự nói với mình “mình cũng từng như thế”. Thế nên hãy trân trọng mọi thứ hạnh phúc ta có ngay lúc này vì dù lúc này thứ ta có là sự cô đơn, nhưng bạn biết không mỗi ngày khi ta vẫn còn thức dậy ngắm nhìn ánh nắng động trên nhành hương thảo nơi mờ sương bên cửa sổ thì đó đã là một món quà, một ân huệ quá lớn rồi. Hãy dừng việc than trời trách đất nữa bạn nhé ! Hãy tự hỏi mình có sống thật tốt để nhận lại được nhiều điều may mắn chưa ?
Khi ta yêu ai đó rồi cùng đi Đà Lạt thì nó hạnh phúc nhưng nếu ta lẻ bóng thì nơi này mang một cái màu nâu buồn tẻ. Thế nên nhạc sĩ Lam Phương có viết một khúc hát rất thấm đẫm tình cảm u uất trong bài Thành Phố Buồn:
“Thành phố buồn lắm tơ vương
Cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn
Và con đường ngày xưa lá đỗ
Giờ không em sỏi đá u buồn
Giờ không em hoang vắng phố phường
Tiếng chuông chiều chầm chậm thê lương”
Bởi không có em sỏi đá nó còn u còn buồn huống chi là một trái tim nồng ấm thế kia hỏi sao không đau không xót chứ ? Đường phố Đà Lạt mấy mươi năm qua có bao giờ hoang vắng như khi đại dịch này đâu nhưng khi không có em thì chả thấy gì ngoài hoang vắng. Khi yêu thì nhìn đâu cũng đẹp, mọi thứ là một gam màu sáng, mọi thứ đều rộn ràng nhộn nhịp nhưng rồi hạnh phúc có được lâu Lam Phương lại thêm một vài dòng hay ho trong giọt Lệ Sầu:
“Lời buồn nào trao hết đi em
Vì tình yêu đôi ta là thế
Quên muộn màng yêu trong vội vàng
Chưa cạn lời đêm đã vội tan”
Khi mới rời bỏ thành phố nhộn nhịp nhiều bạn trẻ về đây khởi nghiệp với nông trại với cà phê lưng dồi, ôi nhìn đâu cũng đẹp, hít thở thôi cũng đẹp có thể không ăn uống chỉ cần hít hơi lạnh Đà Lạt rồi quang hợp sống như cây cỏ qua ngày cũng được. Người ta đâu thấy ngoài quang hợp cái cây cũng cần phải đâm rể rất sâu để tìm cho mình một nguồn nước. Khi bắt đầu mọi thứ quá ư lãng mạng quá ư dễ dàng khi chỉ cần tình yêu chỉ cần ánh mắt nụ cười của nhau có thể ngủ qua cái đông Đà Lạt mà không cần chăn ấm. Nhưng rồi vài tháng trôi qua cuộc sống cứ lặp đi lặp lại mọi thứ xung quanh trở nên quen thuộc. Sáng thì mù sương những ngày tháng 9 có những tuần mưa cứ rả rít không ngớt chỉ biết ngồi bó gối nhâm nhi những hạt cà phê cuối cùng trước khi sang quán cho những vị CEO trẻ tuổi nào đó tiếp tục khởi nghiệp. Khi mới bắt đầu thì ôi Đà Lạt là cả một thế giới hy vọng thành công nhưng rồi giờ nó chỉ còn là những kỷ niệm.
Qua hết cái lễ 02.09 hàng năm thì Đà Lạt bước vào những tháng ế ẩm. Đầu năm học phụ huynh bận lo cho con mình tựu trường, họ tranh thủ chạy đủ số cho quý cuối năm kiếm chút tiền thưởng ít ỏi để có được nhành mai nhành đào nhành quất ngày Tết. Khách sạn nhà hàng thì bù lỗ cho ba tháng cuối của năm. Cô bán sữa đậu nành thì chỉ còn nấu một phần tư nồi nước bán để có cái gọi là cơm cá hàng ngày. Mọi khi dâu hái trong vườn bán cho du khách hối hả mua làm quà trước khi xe rời bánh về Sài Gòn giờ chỉ còn 35.000 vnd một hộp. Buồn nhất vẫn là các cụ bán giỏ xách 5.000 một cái, khi đông đúc người ta tranh nhau mua rau mua củ rồi mua giỏ đựng đem về thành phố… Giờ mà nhìn quanh cái chợ buổi sáng người bán nhiều gấp 5 người mua. Không ra bán thì không biết làm gì với mớ hàng hóa với trái dâu đã chín trên giàn. Ra bán thì chịu cảnh bó gối ngồi đợi, có người mua thì bán dâu tươi không thì lại về làm mứt, làm nước ép vậy.
Cuộc sống thường là vậy nó là một guồn quay tâm trạng buồn vui. Ngày nắng thì còn được thảnh thơi ngồi tám chuyện khoe đứa con đi học được con điểm, được học bổng còn ngày mưa chỉ biết chùn chân ngồi co ro trong cái lạnh u buồn thỉnh thoảng thì hớp vài ngụm atiso nóng. Có rất nhiều điều kỳ lạ tôi nghe được nơi thành phố này: như nho của các chị hàng rong nói là nho Đà Lạt, người trồng dâu thì không bao giờ ăn dâu, người làm atiso thì không bao giờ uống, người rang cà phê thì luôn trồng riêng vài cây cho mình… Ôi ! sao chúng ta lại đem bán đem cho cái mà chúng ta không dám đụng đến thế. Tư duy như vậy, sao chúng ta sánh vai với thế giới. Tại sao người Mỹ chỉ chạy ô tô của Mỹ, người Hàn chỉ sài Sam Sung, người Nhật ưu tiên dùng Mitsubishi… còn chúng ta chúng ta thì sao không bao giờ sài cái chúng ta sản xuất…. câu hỏi đó chắc còn lâu mới trả lời hết được.
Ta vẫn luôn tự hào thành phố này con người hiền hòa nói chuyện với nhau từng tiếng dạ thưa, ngang nhau nơi ngã ba ngã tư còn dừng lại nhường người đi trước. Hẳn nhiên giờ có người chạy không nhường nhau chưa hẳn là người Đà Lạt vì ta không thể dừng họ lại rồi truy vấn anh có phải người Đà Lạt không ? Người ở đây đâu chạy như rứa ? Xã hội thì ngày càng phát triển thì đâu còn cái cảnh thanh bình chốn cũ.
Năm 1958, chợ Đà Lạt được xây dựng trên vùng đất sình lầy trồng xà lách xoang hoàn thành năm 1960. Đến khi cây cầu bê tông được xây dựng thêm mà ngày nay gọi là “Hồng Kong bên hông chợ”, khu công viên, các dãy phố lầu xung quanh được hoàn thiện thêm bởi kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Có một bức hình chụp chợ Đà Lạt những năm trước thập niên 60 thế kỷ trước. Ngày đó, hai bên chợ là những hàng thông nhỏ, đầu đường Lê Thị Hồng Gấm bên tay phải là một công viên rộng rãi với bồn hoa thảm cỏ chen vào đó là hàng đá chẻ lót đường giành cho người tản bộ. Bên trái cũng là thảm cỏ xen kẽ với đường tản bộ có thể nhìn thẳng lên những ngôi nhà hai tầng trên đường Nguyễn Chí Thanh. Từ khu Hòa Bình chúng ta có thể nhìn thẳng ra bờ hồ Xuân Hương đầy ấp Ánh Sáng mà không vướng phải bất cứ không gian nào cả. Nhưng giờ những khoảng trống ấy đã trở thành cửa hàng KFC, cửa hàng Langfarm, bên trái thì khách sạn Nice Dream, cửa hàng, quán xá lụp xụp che chắn cả không gian, che chắn luôn cả cái đẹp vốn dĩ mơ mộng của nơi đây.
Nhưng ngày xưa, vốn dĩ đất rộng người thưa mỗi một ngôi nhà một mảnh vườn, mỗi một căn biệt thự là một quả đổi hàng ngàn mét vuông đất. Cái tên thành phố buồn, thành phố giữa rừng, rừng trong thành phố có lẽ rồi theo thời gian sẽ là hoài niệm. Thành phố ngàn thông ngày nay đã thay thế bằng những nhà kính rồi thay vao đó là những cái tên mới cũng lãng mạng không kém “Thung Lũng Đèn”. Nếu chúng ta muốn nhìn ngắm đèn điện thì tầng 36 Bar On Plus vừa nghe nhạc vừa chill ngắm “đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ” thì còn đẹp hơn cả Thung Lũng Đèn nơi đây. Chúng ta muốn giàu có muốn phát triển thì không thể nào đi mãi chiếc xe trâu, giữ mãi lũy tre làng, cây đa hay giếng nước, mái đình nữa. Việc dừng lại để bảo tồn hay thay đổi để phát triển mà nhiều năm nữa nơi thành phố này vẫn tranh cãi không hồi kết….
Mời bạn đón xem phần tiếp theo….